Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

BẢO HIỂM NHÂN THỌ LÀ GÌ?




Cuộc sống vốn tiềm ẩn nhiều bất trắc và rủi ro khó ai có thể lường trước. Bảo hiểm nhân thọ là một giải pháp hữu hiệu bảo vệ chúng ta và gia đình trước những tổn thất tài chính phát sinh từ những rủi ro bất ngờ như tử vong, thương tật, bệnh hiểm nghèo, v.v.

VÌ SAO NÊN THAM GIA BẢO HIỂM?


Bảo hiểm nhân thọ giúp thực hiện những mục tiêu sau: :

Thay thế nguồn thu nhập thiếu hụt khi người trụ cột không còn nữa



Là người trụ cột trong gia đình, đã bao giờ bạn tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu không may rủi ro đến với mình?
Bên cạnh những mất mát không thể bù đắp về tinh thần, cha mẹ, người bạn đời, và con em của bạn sẽ sống ra sao khi không còn nguồn thu nhập thường xuyên của bạn?
Liệu con em của bạn có đủ nguồn tài chính để hoàn tất việc học tập và thành công trong sự nghiệp như bạn hằng mong muốn?

Bảo hiểm nhân thọ không những mang lại cho bạn sự an tâm rằng nguồn thu nhập thay thế sẽ giúp duy trì cuộc sống của gia đình mà còn đảm bảo những ước mơ của bạn sẽ trở thành hiện thực. .

Đảm bảo ước mơ sẽ thành hiện thực.



Cuộc sống với quá nhiều biến động và những mong muốn, kế hoạch quan trọng cho bản thân, gia đình có thể bị dang dở nếu không may rủi ro xảy ra. Bảo hiểm nhân thọ sẽ là nguốn tài chính đảm bảo giúp biến những ước mơ còn dang dở của mình thành hiện thực cho dù không may có rủi ro xảy ra.

Chi trả những chi phí sau cùng.



Tiền bồi thường của bảo hiểm nhân thọ có thể được dùng để chi trả cho những chi phí sau cùng như chi phí ma chay và chi phí khám chữa bệnh không được Bảo hiểm y tế thanh toán. Tiền bồi thường cũng có thể dùng để tất toán các khoản nợ của gia đình, và vì vậy dỡ bỏ gánh nặng cho người thân khi bạn không còn ở bên họ nữa.

Chuẩn bị tài sản thừa kế.



Ngoài việc tích lũy tài sản cố định, bạn có thể dùng bảo hiểm nhân thọ như một kênh tiết kiệm nhằm tích lũy một khoản tiền để dành đáng kể cho người thân.

Tiết kiệm một cách có kỷ luật.


Bảo hiểm nhân thọ tạo cho bạn thói quen tiết kiệm một cách kỷ luật thông qua việc đóng phí bảo hiểm định kỳ. Đối với nhiều người, đây chính là cách tiết kiệm tốt nhất cho những mục tiêu trung và dài hạn vì nó giúp bạn tránh những cám dỗ chi tiêu nhất thời và tập trung vào kế hoạch đã đặt ra. Những mục tiêu này có thể là: một ngôi nhà mới, xe hơi mới, chi phí học đại học cho con em, ngân sách hưu trí, v.v..

Như bạn có thể thấy, bảo hiểm nhân thọ không phải là dành cho người được bảo hiểm mà là dành cho những người thân yêu của họ. Gia đình bạn cần được bảo đảm rằng họ sẽ luôn có một cuộc sống vật chất đầy đủ cho dù bạn có gặp rủi ro.

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Nghề ngân hàng đang dần hạ nhiệt


Việc luân chuyển cán bộ và cắt giảm nhân sự, lương thưởng hiện là những yếu tố khiến nghề ngân hàng không còn là niềm mơ ước với nhiều người.


Tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Địa lý Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, Nguyễn Hồng Hạnh sẽ có thể kiếm được một vị trí tốt tại công ty du lịch. Nhưng mẹ Hạnh nhất định ép cô phải vào làm ngân hàng nơi có người quen bảo lãnh với giá 200 triệu đồng. Hạnh chia sẻ rất sợ phải làm việc với các con số và trong đầu không một chút kiến thức về tài chính.

Tuy nhiên, cô không thể chống lại lý lẽ quá thuyết phục của mẹ: “Con gái không nên đi nhiều. Mà ngồi một chỗ thì không nơi nào sướng như ngân hàng, trong khi lương thưởng khó ngành nào bì được”. Thế là Hạnh đành gác ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch sang một bên.


Nhiều ngân hàng đang tái cơ cấu nhân sự mạnh mẽ. Ảnh: PV


Quả như lời mẹ cô, trong khi nhiều bạn bè của Hạnh chật vật tìm việc làm, cô được trả 5 triệu đồng một tháng thời gian thử việc, mức này sau đó lên 7 triệu đồng khi chính thức. Từ năm 2009-2011, hằng năm Hạnh đều được tăng lương. Tính ra mỗi năm, cô nhận 100 triệu đồng tiền lương, riêng thưởng quý và Tết cũng lên tới 4-5 tháng lương.

Năm 2012, ngân hàng kinh doanh khó khăn, không đạt chỉ tiêu doanh số nên hầu hết nhân viên không được tăng lương, thưởng Tết cũng chỉ ở mức 2 tháng lương. Những trường hợp tay ngang như Hạnh bị đưa vào danh sách “xem xét”.

Hạnh đã bị chuyển từ phòng hành chính qua bộ phận tín dụng và áp chỉ tiêu doanh số giải ngân hằng tháng. Nếu không đạt chỉ tiêu, Hạnh bị trừ một mức lương tương ứng, tùy theo doanh số đạt được. Thời thế thay đổi, lương của cô giờ chỉ quanh mốc 5 triệu đồng mỗi tháng.

Chán nản, Hạnh muốn nghỉ việc trở lại làm đúng ngành đã học và cũng là mơ ước của cô. Tuy nhiên, công ty du lịch nào cũng yêu cầu 2-3 năm kinh nghiệm cho vị trí ứng tuyển tương ứng. Điều đó có nghĩa, nếu bắt đầu lại, Hạnh sẽ phải thử việc và hưởng lương ít ỏi mà cách đây 4-5 năm bạn của cô từng nhận.

Câu chuyện của Hạnh chỉ là một trường hợp nhỏ trong cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ từ năm 2012. Không ít lãnh đạo cấp cao hay nhân viên có thâm niên trong ngành cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Gây chú ý nhất là việc bà Bùi Thị Mai, nguyên Tổng Giám đốc Habubank, bị thuyên chuyển sang bộ phận thu hồi công nợ sau chưa đầy 3 tháng giữ chức Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) sau khi hai nhà băng sáp nhập.

Bà Mai gia nhập Habubank vào năm 1995 sau 10 năm công tác tại Bộ Tài chính và Viện Khoa học Việt Nam. Đến năm 2002, bà được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc và 6 năm sau lên chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Habubank.

Có thể nói sự phát triển thương hiệu ngân hàng cổ phần đầu tiên này ở Hà Nội gắn liền với tên tuổi của bà. Khi vướng phải khách hàng Vinashin với số nợ lên tới 3.000 tỷ đồng và không phát sinh lợi nhuận, Habubank gần như ngã gục. Khoản nợ xấu lên tới 23,66% (tương đương 3.729 tỷ đồng) là nguyên nhân của cuộc sáp nhập, khiến bà Mai bị thất thế.

Ví dụ tiếp theo là cuộc lọc máu tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Một nhân vật giấu tên cho biết, sau khi Tập đoàn Thiên Thanh tham gia tái cơ cấu TrustBank, bộ máy nhân sự cấp cao của ngân hàng này hầu như thay hoàn toàn. Vị này từng là nhà điều hành cấp cao tại một ngân hàng khác, được mời về đảm nhận một vị trí chủ chốt trong TrustBank. Tuy nhiên, ông cho biết cuộc thay máu dường như chỉ là bề nổi; về cơ bản, mọi hoạt động của ngân hàng chưa có chuyển biến rõ rệt nào.

Báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 được các ngân hàng công bố cho thấy lợi nhuận tiếp tục giảm mạnh trong khi tỷ lệ nợ xấu vẫn gia tăng. Vì thế, việc cắt giảm chi phí và tiếp tục tái cơ cấu trong đó có bộ máy nhân sự là tất yếu.

Từ năm 2012 đến nay, các ngân hàng liên tục cắt giảm và tuyển dụng nhân sự. Điển hình là cuộc sàng lọc tại Ngân hàng Á Châu (ACB) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank). Năm 2012, ACB đã tuyển 1.663 người còn VietinBank là 1.218 người. Thế nhưng, nửa đầu năm nay, ACB đã cắt giảm 7% số nhân viên, tương đương 568 người, VietinBank cắt 189 người. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng giảm 285 nhân viên trong 4 tháng đầu năm.

Trong khi nhiều ngân hàng cắt giảm mạnh nhân sự, một số nhà băng khác vẫn tuyển dụng với số lượng lớn như Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) khi tăng thêm 883 nhân viên trong 6 tháng đầu năm nay. Một nguồn tin tại Sacombank cho biết, không chỉ tăng số lượng nhân viên, ngân hàng này còn dự kiến tăng lương do doanh số 6 tháng đầu năm đã vượt chỉ tiêu.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, sự thay đổi nhân sự này gắn liền với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và đó là diễn biến tích cực. Việc ngân hàng này cắt giảm nhân sự sẽ là cơ hội tốt để các nhà băng khác có thêm sự lựa chọn, tuyển được những ứng viên sáng giá, đáp ứng tốt yêu cầu công việc, ông Hiếu nhận xét.

Bà Tiêu Yến Trinh, Giám đốc Công ty Tư vấn Nhân sự TalentNet cũng cho biết thêm: “Chúng tôi thấy các ngân hàng vẫn đầu tư cho nhân sự chủ chốt và tìm kiếm nhân viên giỏi. Sự khác biệt ở đây có chăng là các ngân hàng sẽ ngày càng chú trọng hơn đến chất lượng lao động cũng như chính sách giữ nhân tài”.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Bí quyết kinh doanh của " vua chuối"

Bạn bè và đối thủ của Samuel Zemurray đều gọi ông là Sam “vua chuối”. Sam đã khởi nghiệp từ buôn chuối chín, thứ làm nản lòng các thương nhân hoa quả cỡ bự vì chuối chín dễ dàng trở thành món hàng đổ đi nếu bán không kịp.


picture

Sammuel Zemurray - Ảnh: AP


Với nguyên tắc “một đốm, chuối sắp chín; hai đốm, chuối đã chín”, các nhà buôn chuối bỏ hàng đống chuối chín khổng lồ tại cảng. Ở đó, đống chuối chỉ có nước chờ thối rữa hoặc bị đẩy xuống biển.



Vào khoảng năm 1895, Sam, một người Nga nhập cư trẻ tuổi, đã lần đầu nhìn thấy đống chuối chín bị bỏ ở cảng Mobile, bang Alabama. Và ông đã tìm thấy cho mình một cơ hội. Đối với một người lớn lên trong một trang trại lúa mì tồi tàn ở Bessarabia, đống chuối chín này đúng là một đống của. Đem chuối này đi bán, đến tới năm 1903, ông đã trở thành một “ông trùm” cỡ nhỏ, với tài sản 100.000 USD trong nhà băng.



Kể từ đó, Sam bắt đầu buôn cả chuối ương lẫn chuối chín. Vào năm 2909, ông tới Honduras, bỏ tiền mua và cho phát quang một diện tích rừng nguyên sinh lớn để trồng chuối. Sau đó, ông dùng một đội lính đánh thuê từ New Orleans lật đổ chính phủ Honduras và thành lập một chính phủ mới thân thiện với ông hơn. Sam thành lập một công ty chuối chất lượng cao tại đây và cuối cùng đã thâu tóm được một hãng hoa quả lớn có tên United Fruit vào tháng 12/1932. Cho tới khi qua đời vào năm 1961 trong dinh thự tư nhân lớn nhất ở New Orleans, Sam đã trải qua những công việc bao gồm một thợ vận chuyển, một người chăn bò, một nông dân, một thương nhân, một nhà hoạt động chính trị, một nhà cách mạng, một nhà từ thiện, và một giám đốc điều hành (CEO).



Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh của Sam “vua chuối”, tờ Wall Street Journal đã rút ra một số bài học đã đưa ông tới “mỏ vàng” từ đống chuối sắp thối rữa.



1. Tự mình xem xét mọi việc



Khi Sam quyết định trở thành một chủ trang trại chuối ở Honduras, ông đã chuyển tới sống trong rừng. Ông tự tay trồng chuối, đi xem từng vị trí trên cánh đồng chuối và xếp chuối lên thuyền. Ông tin rằng, đây là lợi thế lớn của ông so với các sếp của United Fruit, hãng chuối lớn nhất ở thời đó mà ông đang cạnh tranh. United Fruit lớn hơn công ty của Sam, nhưng được điều hành từ một văn phòng ở tận Boston. Sam thì khác, ông gắn với cánh đồng chuối, hiểu các công nhân của mình đang nghĩ gì, tin gì và sợ hãi điều gì.



2. Đừng tìm cách phức tạp hóa vấn đề



Vào cuối những năm 1920, United Fruit và công ty của Sam cạnh tranh nhau để giành quyền mua một mảnh đất màu mỡ nằm giữa biên giới Honduras và Guatemala. Mảnh đất này có hai chủ sở hữu, một ở Honduras và một ở Guatemala. Trong khi United Fruit thuê luật sư, tiến hành điều tra nhằm xác định xem đâu là chủ sở hữu thực sự của mảnh đất, thì Sam làm rất đơn giản: ông mua mảnh đất hai lần, mỗi lần từ một chủ sở hữu. Một vấn đề đơn giản nên được giải quyết đơn giản.



3. Không nên tin vào các chuyên gia



Vào thập niên 1930, United Fruit khốn đốn vì Đại suy thoái, với giá cổ phiếu giảm từ 100 USD/cổ phiếu xuống còn hơn 10 USD/cổ phiếu. Trong nỗ lực tìm kiếm một kế hoạch nhằm thay đổi cục diện tình hình, lãnh đạo của hãng này tham vấn các chuyên gia và nhà kinh tế, rồi nghiên cứu các báo cáo. Sam lúc này đã là cổ đông lớn nhất của United Fruit và cũng muốn có câu trả lời cho những vấn đề tương tự, nhưng thay vì hỏi chuyên gia, ông đi tới tận bến tàu của New Orleans, tìm hiểu tình hình thông qua các thuyền trưởng và các nhà buôn hoa quả. Đó là những người hiểu tình hình thực tế.



Sam đã phát hiện ra nhiều điều. Chẳng hạn, các thuyền trưởng chở chuối đã được yêu cầu đi qua Vịnh Mexico với tốc độ chỉ bằng một nửa nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Ông cũng được biết, trong thời gian mấy ngày kéo dài thêm trên biển đó, một phần lớn lượng chuối trên tàu chuyển từ ương sang chín. Một trong những mệnh lệnh đầu tiên của Sam khi ông tiếp quản United Fruit vào năm 1932 là không được giảm tốc độ và giảm quãng đường đi lòng vòng. Trong vòng 6 tháng sau đó, giá cổ phiếu của United Fruit đã phục hồi liên tục và đạt mức 50 USD/cổ phiếu.



4. Tiền mất có thể kiếm lại được, nhưng uy tín thì một đi không trở lại



Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, Sam hợp tác với United Fruit. Công ty lớn này hứa sẽ hỗ trợ tài chính và giúp Sam phân phối sản phẩm. Đổi lại, Sam cho họ sử dụng các con tàu chở hàng của ông. Một năm nọ, khi công nhân trồng chuối ở Nicaragua đình công và phong tỏa các dòng sông ở nước này, United Fruit đã phá vỡ thế phong tỏa này bằng các con tàu của Sam. Do logo công ty của Sam được in bằng chữ lớn ở thành tàu, nên Sam đã trở thành cái tên bị căm ghét ở Nicaragua. Đó là một trong những chuyện khiến Sam quyết định “giải tán” mối quan hệ đối tác với United Fruit, cho dù ông đã phụ thuộc khá nhiều vào nguồn tài chính của công ty này. Với Sam, một người không kiểm soát được tên tuổi và hình ảnh của mình sẽ chẳng có thứ gì.



5. Nếu bị hoài nghi, hãy làm việc gì đó



Khi Sam tiếp quản United Fruit vào năm 1932, công ty này sắp sửa sụp đổ đến nơi. Giá cổ phiếu của United Fruit khi đó đang hướng về mốc 0 USD, nhưng công nhân giỏi nhất thì bỏ đi. Ngay khi tiếp quản công ty, Sam đã ngay lập tức thực hiện những chuyến đi con thoi giữa Trung và Nam Mỹ, gặp gỡ công nhân trên các cánh đồng chuối và thăm dò ý kiến của họ. Ông hiểu rằng, các công nhân làm việc trên cánh đồng chuối cần phải biết là đang có một người quản lý họ. Nếu họ biết những gì mà ông đang làm, thì họ sẽ theo ông tới bất kỳ đâu.



Wall Street Journal kết luận, những bí quyết kinh doanh của của Sam “vua chuối” có thể gói gọn lại trong một câu nói: Quyền lực đến từ tri thức, thông tin và kinh nghiệm. Những điều này gắn với thực tế như cây chuối mọc lên từ mặt đất. Nếu tách rời thực tế, thì bạn sẽ thất bại. (Nguồn tin Việt)